Bước 1: Phân tán bột
Mục đích của bước đầu này là làm lỏng lẻo các liên kết trong cấu trúc bột giấy khô, làm giảm kích thước mảnh bột, xơ sợi tách rời nhau, huyền phù bột được hình thành. Ở bước này, nhà sản xuất sẽ sử dụng tác động cơ học để tạo hệ phân tán bột giấy trong nước từ nguyên liệu là bột giấy có độ khô và độ nén cao. Để thực hiện được công đoạn này phải tuân thủ theo quy trình tương đương đánh tơi hay tách sợi, phân tán và tồn trữ ướt.
Bước 2: Nghiền bột
Một hệ thống nước được sử dụng để chuyên thực hiện trương nở các sợi trong môi trường nước và liên kết giữa các sợi sẽ tăng lên. Trong thiết bị nghiền, lực ma sát giữa sợi- sợi, sợi- nước, sợi- thành thiết bị sẽ làm cấu trúc sợi bớt chặt chẽ để nước dễ thấm vào. Lúc này đồng thời sẽ xảy ra hai hiện tượng: tạo những sợi trên sợi trục chính và Hyđrat hóa.
Bước 3: Xeo giấy
Đây là công đoạn tạo hình tờ giấy được thực hiện bằng máy xeo. Máy xeo sẽ thực hiện đưa các sợi được nghiền vào khung để tạo hình giấy. Đây là quá trình quan trọng trong các bước tạo nên bao bì giấy kraft mà không một nhà sản xuất nào được phép bỏ qua.
Bước 4: Ép
Mục đích chính của bước ép giấy là để tách nước, làm khô bề mặt của giấy và làm tăng độ bền chặt cho băng giấy ướt. Dưới tác động của máy ép, các lớp bột sẽ được tạo hình để tăng độ dai.
Bước 5: Sấy
Sau khi ép phần nước còn lại trong băng giấy sẽ được lấy đi bằng quá trình bốc hơi trong buồng sấy. Sản phẩm phải đảm bảo được sấy khô thì mới có giá trị sử dụng, nếu không sẽ bị nát, rách ngay sau khi ép.
Bước 6: Cán láng
Được thực hiện trên giấy đã sấy khô nhằm cải thiện tính đồng nhất theo hướng ngang của máy xeo.
Bước 7: Cuộn giấy
Sau khi sấy và cán láng, giấy được đưa về dạng cuộn, thông thường ở máy xeo có lắp đặt một trống cuộn.
Bước 8: Cắt giấy
Đây là bước thực hiện cắt những cuộn giấy to thành những cuộn giấy nhỏ bằng máy cắt chuyên dụng. Cắt giấy là công đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất ra bao bì giấy kraft.